Trường phái Môn cưỡi ngựa

Hiện nay, Mã Thuật còn được chia làm hai trường phái chính: “Mã Thuật Anh” (cưỡi ngựa phong cách Anh- English riding) xuất phát tại Châu Âu từ những quý tộc Anh và trường phái “Mã Thuật miền Tây” (cưỡi ngựa kiểu miền Tây- Western riding) được khởi nguồn từ việc sử dụng ngựa trong ngành chăn nuôi của những tay cao bồi (Cowboy hay Gaucho) ở lục địa châu Mỹ. Tuy giữa hai trường phái “Mã Thuật British” và “Mã Thuật kiểu miền Tây” có nhiều điểm dị biệt về hình thức và nghệ thuật điều khiển cương ngựa nhưng lại có điểm tương đồng duy nhất là luôn trân quý ngựa.

Phong cách Anh

Cưỡi ngựa theo phong cách Anh với vẻ đặc trưng về sự thanh lịch, quý phái, tao nhã, sang trọng, tinh tế, lịch thiệp

Về đặc điểm, trường phái “Mã Thuật phong cách Anh” (English riding) phản ảnh những cung cách sinh hoạt của giới quý tộc châu Âu qua những động tác điều khiển ngựa rất chính xác, trông nhẹ nhàng khoan thai nhưng rất nghiêm trang và ngoạn mục, tinh tế và quý phái. Để biểu lộ tinh thần tôn trọng lễ nghi, phép tắc xã giao và tỏ ra lịch sự, phong độ, các tuyển thủ Mã Thuật phong cách Anh luôn chú trọng tư thế ngồi vững thẳng lưng, khuôn mặt nghiêm nghị, trầm tĩnh, cầm cương hai tay để điều khiển ngựa bằng những động tác chi tiết, nhỏ nhặt tinh tế ở từng bước đi, thế đứng.

Trong kỹ thuật điều khiển ngựa của Mã Thuật phong cách Anh cũng sử dụng hình thức nắm dây cương một tay qua bộ môn “cưỡi ngựa tranh cầu” (Polo) hay còn gọi là Mã cầu hoặc những nghi thức diễn hành của các đội kỵ binh, đây là sự kết hợp khá điển hình vì những kỹ thuật này cũng thịnh hành ở phương Tây. Trong lĩnh vực của bộ môn “Cưỡi Ngựa Nghệ Thuật” và “Mã Thuật Tổng Hợp”, các tuyển thủ thường có khuynh hướng ngã người về phía trước theo tư thế kỵ mã cơ bản được sáng chế từ trường Kỵ binh Caprili của Ý từ khoảng đầu thế kỷ XX.

Đồng thời, ngay cả khi xuất hiện tại những nơi công cộng, các tuyển thủ Mã Thuật phong cách Anh đều bận lễ phục rất chỉnh tề. Phái nam thường mặc đồng phục dạ hội (Evening dress), đầu đội mũ nỉ (Bowler hat) hoặc mặc quân phục thường gắn cầu vai. Phái nữ cũng bận áo dạ vũ hay đầm dài (Long dress) trên ngực có gắn các loại hoa và đội mũ rộng vành. Khi tranh tài các bộ môn cưỡi ngựa vượt qua chướng ngại vật, các tuyển thủ Mã Thuật Phong cách Anh mặc áo đuôi tôm (Tuxedo), quần trắng bó sát, mang giày cao cổ và đội mũ an toàn. Trong khi đó, ở bộ môn Cưỡi ngựa nghệ thuật thì mặc áo đuôi tôm hoặc y phục dạ hội, quần trắng bó sát, mang giày cao cổ và đội mũ nỉ có vành nhô ra phía trước.

Áo đuôi tôm có hai loại gồm màu đỏ và màu đen nhưng thông thường các tuyển thủ đều dùng áo màu đen. Áo màu đỏ được xem là biểu tượng của người dẫn đầu đoàn đi săn chồn, cáo và tập quán này xuất phát từ trò tiêu khiển cưỡi ngựa đi săn của giới quý tộc Anh Quốc từ sau thế kỷ XVII, săn cáo là một hình thức giải trí được ưa chuộng nhất và luôn có một kỵ mã mặc áo đỏ hướng dẫn đoàn săn bắn đi sau để dễ nhìn theo vì màu sắc nổi bật. Trang phục, phục sức được xem là yêu cầu khá cao và cầu kỳ trong các cuộc trình diễn theo phong cách kiểu Anh quốc chính hiệu.

Kiểu miền Tây

Trang phục cưỡi ngựa phong cách miền Tây kiểu cao bồi, Phong cách cưỡi ngựa kiểu miền Tây (Western riding) thể hiện sự phóng khoáng, mạo hiểm so với cưỡi ngựa phong cách Anh mang tính kiểu cách

Mã Thuật kiểu miền Tây hay Phong cách cưỡi ngựa kiểu miền Tây (Western riding) là những kỹ thuật điều khiển ngựa đường dài được phát sinh từ giới chăn bò (cao bồi) trong thời kỳ khai hoang vùng tân lục địa châu Mỹ (gọi là Gaucho) qua hình thức canh tác, trồng trọt và chăn nuôi. Mã Thuật kiểu Miền Tây là những kỹ thuật phát sinh từ công việc và sinh hoạt của cao bồi. Y phục của các tuyển thủ Mã Thuật miền Tây cũng mang kiểu mẫu của giới cao bồi miền viễn Tây như mũ phớt cao bồi, quần bò (quần Jean), áo sơ mi trắng, áo ghi-lê (gillet), cổ quấn khăn, trang phục của các nài ngựa trong phong cách này khá bụi bặm và táo bạo.

Để duy trì thể lực trong một thời gian dài ngồi trên lưng ngựa, trường phái Mã Thuật miền Tây sử dụng loại yên ngựa cứng có đồ chận phía trước hạ bộ và cũng không cột chặt dây cương để đầu ngựa có thể cử động tự do thoải mái nhằm dễ dàng tạo thế thăng bằng cho kỵ mã và có thể phối hợp xử lý các tình huống khó. Đây là điểm cơ bản của Mã Thuật kiểu miền Tây khác biệt hẳn trường phái Mã Thuật kiểu Anh qua đặc tính không tạo áp lực trực tiếp vào miệng ngựa từ dây cương mà chỉ điều khiển ngựa bằng cách dùng dây cương chạm vào cổ ngựa.

Các bộ môn tranh tài của “Mã Thuật miền Tây” gồm có:

  • Western Horseman Ship: Mã thuật miền Tây kiểu cổ điển là việc kết hợp trình diễn cưỡi ngựa kiểu miền Tây cổ điển đúng chất cao bồi
  • Reining: Cưỡi ngựa vòng tròn và thắng gấp ở các điểm dừng để tính điểm, nội dung này khó hơn nội dung đầu tiên
  • Barrel racing: Đua ngựa khúc cua vòng số 8 kết hợp với nhảy vượt xà, vượt chướng ngại vật
  • Cutting: Cưỡi ngựa đâm phóng hoặc giật một đối tượng gì đó, chẵng hạn như trò giật cổ ngỗng (pulling), biến thể có nó là cưỡi ngựa quăng thòng lọng.
  • Ngoài ra, còn có bộ môn Rodeo (cưỡi ngựa chứng, bò dữ): Tuy cũng ứng dụng các kỹ thuật tương cận nhưng không được xếp vào danh sách thi đấu của Mã Thuật miền Tây.

Thêm một đặc tính thường thấy trong trường phái Mã Thuật miền Tây là kỹ thuật nắm dây cương một tay. Động tác này phát xuất từ thói quen thuận tay của những cao bồi trong quá trình làm việc, yêu cầu công việc đòi hỏi họ phải dùng một tay để làm các công việc khác. Tuy trông qua hình thức rất đơn giản nhưng trên thực tế lại đòi hỏi sự tập luyện công phu mới đạt đến trình độ điều khiển ngựa bằng một tay cầm dây cương. Do đó, ngoài những môn tranh tài ở đẳng cấp cao quy định cầm cương ngựa một tay, còn lại trên căn bản các bộ môn thi đấu khác của Mã Thuật miền Tây đều sử dụng hai tay nắm dây cương.